“Đam mê” trong tiếng Latinh nghĩa gốc là “chịu đựng”. Theo đuổi niềm đam mê chỉ là một mặt của vấn đề, điều quan trọng nhất là bạn phải có sức chịu đựng sự gian nan, vất vả và thậm chí là hi sinh trong khi theo đuổi công việc mà bạn hằng mơ ước. Đam mê không hẳn chỉ dừng lại ở niềm vui hay sở thích của bản thân mình.
Tôi cũng đã đi làm ở một số công ty, nước ngoài có, Việt Nam có, lớn có, nhỏ cũng có nhưng có lẽ chưa một nơi nào tôi làm việc có đội ngũ trẻ hùng hậu và giỏi giang như Trần Gia.
Ngày đầu tiên tôi đến làm việc, tôi khá bất ngờ vì toàn những bạn nhỏ tuổi hơn tôi (vì tôi cũng còn trẻ mà :D) mà đều đã giữ những vị trí quan trọng của công ty. Tôi còn bất ngờ hơn nữa khi biết người phỏng vấn mình là bạn Trưởng phòng kinh doanh (các bạn nhân viên ở đây hay gọi bạn là Quản lý). Bạn sinh năm 92, tuổi đời rất trẻ nhưng kinh nghiệm và suy nghĩ thì không hề trẻ, cũng không hề ít chút nào. 5 tháng sau, cả công ty chúc mừng bạn chính thức nhận quyết định Phó Giám đốc, một cái kết cũng không quá bất ngờ nữa vì nếu làm việc với bạn chắc chắn mọi người sẽ biết và hiểu quyết định này từ phía Ban Giám đốc.
Nhưng cái gì cũng có nguyên do của nó và những gì cô gái ấy đạt được ngày hôm nay cũng chẳng vô cớ hay dễ dàng mà có được. Đó là cả một nỗ lực không ngừng nghỉ và thậm chí là cả hi sinh dành cho công việc. Và chắc chắn rồi, các sếp ở Trần Gia cũng đã nhìn người chẳng sai chút nào.
Tôi không nhớ là ngày thứ 2 hay thứ 3 khi mới bắt đầu công việc ở đây, một cuộc họp về nội quy lao động công ty được tổ chức, nhìn và nghe cách chia sẻ, những quan điểm của bạn, ngay sau đó tôi đã phải nhắn tin riêng cho bạn: Em đã làm rất tốt đấy. Đó không chỉ là một lời khen, mà đó còn là một lời đồng cảm, là niềm vui vì tôi đi làm, cũng hiếm khi gặp những người có cùng quan điểm, suy nghĩ như tôi trong công việc đứng từ góc độ người đi làm và từ góc độ của người quản lý.
Đến tận sau này, có dịp kết hợp với nhau trong các buổi phỏng vấn tôi mới biết hành trình và cũng là cái duyên cô gái ấy đến với Trần Gia. Khi mới ra trường, vì sợ thất nghiệp, vì muốn kiếm tiền để trang trải cuộc sống cô gái ấy đã ứng tuyển và vào làm nhân viên bán hàng mặc dù ngành học của em là Thương Mại điện tử. Em cũng chẳng quan tâm công việc đó có đúng ngành đúng nghề mình học hay không, lúc đó em chỉ suy nghĩ đơn giản là em cần một công việc.
Thời điểm đó Trần Gia chỉ có vài nhân viên, cô gái ấy đã trải qua những vị trí khác nhau từ bán hàng đến Kho vận, đến IT, đến Kế toán rồi quản lý siêu thị… và có lẽ những năm tháng như vậy đã tôi luyện nên một con người đa năng, một Phó Giám đốc như ngày hôm nay. Có lẽ những thăng trầm của Trần Gia, cô gái ấy là người thấu hiểu rõ nhất sau Ban Giám đốc.
Đâu phải bạn cứ học và ra trường phải làm đúng ngành mới có thể chạm tới thành công? Cô gái ấy đã chứng minh cho mọi người thấy rằng, bất kể con đường nào bạn đi cũng có thể dẫn tới thành công chỉ cần bạn thực sự quyết tâm, kiên trì và nghiêm túc theo đuổi cho nó. “Mọi con đường đều dẫn đến thành Roma”, đó là điều chắc chắn.
Nếu một ngày, bạn đặt chân đến Trần Gia mà gặp cô gái nào người nhỏ nhắn, hay cười, lễ phép và đeo kính cận thì đó chính là Phó Giám đốc của chúng tôi đấy. Hình như tôi còn chưa bật mí tên cô gái mà tôi viết trong bài thì phải? Tôi viết về một cô gái mà ai cũng biết là ai đấy – Phó Giám đốc Nguyễn Hương.